Chùa Bái Đính – ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, nổi tiếng với nhiều kỷ lục Việt Nam. Một điểm đến tâm linh không thể bỏ qua khi đến Ninh Bình.
1. Sự hình thành và phát triển Bái Đính
Chùa Bái Đính có vị trí địa lý ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Chùa Bái Đính có lịch sử hình thành và phát triển từ hơn 1000 năm về trước. Vùng đất Hoa Lư, Ninh Bình, nơi chùa Bái Đính hiện tại đặt chân, từng là thủ phủ trong ba triều đại Vua nối tiếp nhau là: thời Đinh, nhà Tiền Lê và thời Lý. Cả ba triều đại phong kiến này đều đặc biệt quan tâm đến đạo Phật và coi đó là Quốc Giáo.
1.1. Khởi công xây dựng
Chùa Bái Đính được xây dựng vào thời nhà Lý, thuộc khoảng năm 1136. Chùa gắn liền với giai thoại về một vị thiền sư danh tiếng là Lý quốc sư Nguyễn Minh Không, người đã đặt nền móng xây dựng và khai mở vùng đất Phật linh thiêng này.
1.2. Chùa Bái Đính là di sản thế giới
Khu chùa mới được bắt đầu được tái tu sửa xây dựng từ năm 2003. Đến năm 2014, chùa Bái Đính – Tràng An vinh dự được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa và Thiên nhiên, đồng thời là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên tại Việt Nam.
2. Toàn cảnh chùa Bái Đính – Ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á
Quần thể chùa Bái Đính hiện tại có tổng diện tích 539ha, gồm 27ha khu chùa Bái Đính cổ được hình thành từ thời nhà Đinh và 80ha khu chùa Bái Đính mới bắt đầu xây dựng từ năm 2003.
Khi nhìn toàn cảnh Chùa Bái Đính từ trên cao, bạn sẽ thấy ngôi chùa này như một viên ngọc sáng được thiên nhiên bảo vệ. Xung quanh chùa là sông nước và núi non hùng vĩ. Không gian trong quần thể chùa được thiết kế bao bọc bởi hệ thống cây xanh tươi mát, mang đến bầu không khí trong lành, thư giãn cho du khách.
3. Ngôi chùa với nhiều kỷ lục ấn tượng nhất Việt Nam
Ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á với nhiều kỷ lục nhất Việt Nam là Chùa Bái Đính. Đây là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như:
- Ngôi chùa với tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á.
- Ngôi chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á.
- Ngôi chùa có tượng Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á.
- Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á
- Chuông đồng lớn nhất Việt Nam.
Chùa Bái Đính đã tổ chức thành công sự kiện mang tầm cỡ thế giới đó chính là đại lễ Phật đản thế giới 2008.
3.1. Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á.
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ở Bái Đính có chiều cao 10 mét và trọng lượng lên đến 100 tấn và được chế tác từ nguyên liệu đồng vàng. Bức tượng được đặt trên bục cao 1,5 mét trong khuôn viên 1.935 m2 của điện Pháp Chủ. Công trình ấn tượng này được khởi công thực hiện từ năm 2004 và hoàn thành sau đó hai năm.
3.2. Hành lang La Hán kỷ lục dài nhất châu Á
Hành lang này gồm hai dãy dài, khép kín dẫn đến các khu chùa trên núi và lối đi xuống. Kỷ lục hành lang này được xác lập vào năm 2012. Chiều dài mỗi dãy hành lang là khoảng 1.700 m với 250 gian, trong đó mỗi gian có kích thước 4,5 m x 4,5 m.
Hành lang La Hán tại Chùa Bái Đính có 500 pho tượng La Hán bằng đá nguyên khối. Mỗi tượng có chiều cao 2,4m, nặng khoảng 4 tấn. Các tượng được bày dọc hai dãy hành lang, mỗi bên có 250 vị.
Hành lang La Hán tượng trưng cho con đường tu hành này. Mỗi tượng La Hán trong hành lang biểu hiện cho một bước tiến trên con đường này, từ việc tu luyện để đạt được sự giác ngộ cho đến việc vượt qua sự khổ đau và phiền não để đạt được sự yên tĩnh vĩnh hằng
3.3. Tượng Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á
Tượng này nằm trên một ngọn đồi ở bên phải điện thờ Tam Thế Phật của chùa Bái Đính. Tượng Di Lặc này cao 10m và nặng 80 tấn. Đây là một trong những điểm chụp ảnh nổi tiếng tại Ninh Bình của khách du lịch khi đến đây.
Tượng Di Lặc được đặt ở một vị trí trung tâm, một trong những nơi được xem là nơi linh thiêng nhất của chùa. Người dân tại đây tin rằng, khi chạm vào Tượng Phật Di Lặc, họ sẽ được may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống. Trong đạo Phật, Tượng Phật Di Lặc được xem là tượng trưng cho sự bình an và niềm vui trong cuộc sống.
3.4. Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á
Bảo tháp này có chiều cao 100m, 13 tầng, có thang máy và 72 bậc leo. Tầng cao nhất của Bảo tháp là nơi thờ xá lợi Phật được cung nghênh từ Ấn Độ về năm 2008. Trần của bảo tháp được thiết kế theo phong cách Ấn Độ đầy huyền bí.
3.5. Chuông đồng lớn nhất Việt Nam
Theo như thiết kế, chiếc chuông này nặng 36 tấn, chiều cao 5,5m, đường kính 3,7m. Tổng kinh phí để đúc quả chuông này là 4 tỷ đồng. Chuông được các nghệ nhân đánh giá là quả chuông lớn nhất Việt Nam từ trước tới thời điểm hiện tại.
Tháp chuông của chùa Bái Đính là nơi lưu giữ chiếc Đại hồng chung và Trống đồng “khủng” nhất Việt Nam hiện nay. Tháp chuông có hình bát giác, cao 3 tầng, có 2 lối cầu thang lên và xuống dùng để tham quan Đại hồng chung và Trống đồng. Tháp chuông có tổng chiều cao 22 m, đường kính trong tháp là 17 m, phủ bì 49 m.
Trên thân của chiếc chuông đồng này được trang trí nhiều hoa văn, họa tiết mô phỏng từ các chuông cổ. Chuông chùa Bái Đính được dùng trong việc kinh kệ và thờ phụng. Xung quanh thân chuông có thể quan sát nổi rõ lên là những chữ Hán được khắc theo chủ đề Phật giáo
4. Chia sẻ kinh nghiệm du lịch ở Chùa Bái Đính
4.1. Lịch trình du lịch chùa Bái Đính
Ngoài Chùa Bái Đính, bạn có tham khảo một số danh lam thắng cảnh lân cận trong lịch trình du lịch của mình.
- Tràng An: Tràng An là một khu du lịch sinh thái nằm tại tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Nơi đây có diện tích gần 2000 ha và được chia thành 5 khu chức năng chính. Tràng An chính thức được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 2014.
- Cố đô Hoa Lư: Cố đô Hoa Lư là một di tích lịch sử quan trọng ở Ninh Bình. Đây là nơi từng là kinh đô của đất nước Đại Cồ Việt trong thế kỷ 10 và 11. Cố đô Hoa Lư có nhiều di tích lịch sử và kiến trúc độc đáo, là điểm đến thu hút nhiều du khách.
- Hang Múa: Hang Múa là một điểm du lịch nằm ở xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Điểm đặc biệt của Hang Múa là ngọn núi Múa, nơi du khách có thể leo lên đỉnh và chiêm ngưỡng toàn cảnh vùng đất Ninh Bình từ trên cao. Điểm đến này còn có các cầu treo, đường mòn và các tượng Phật trang trí. Hang Múa là một điểm đến phổ biến cho du khách muốn tận hưởng cảnh quan thiên nhiên đẹp và tham gia các hoạt động leo núi.
- Tam Cốc: Tam Cốc là một hệ thống hang động nằm ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Tam Cốc có nghĩa là “ba hang”: Hang Cả, Hang Hai và Hang Ba. Du khách có thể đi thuyền trên sông Ngô Đồng và ngắm nhìn cảnh quan đẹp của các ngọn núi và cánh đồng lúa xung quanh. Tam Cốc cũng được gọi là “Vịnh Hạ Long trên cạn” vì cảnh quan tương tự với Vịnh Hạ Long nhưng trên mặt đất.
Dưới đây là 3 lịch trình tham quan chùa Bái Đính mà bạn có thể tham khảo:
- Lịch trình 1: Tràng An – Cố đô Hoa Lư – Bái Đính.
- Lịch trình 2: Hang Múa – Tam Cốc – chùa Bái Đính.
- Lịch trình 3: Hang Múa – Tràng An – Bái Đính
4.2. Chi phí đi du lịch Bái Đính
Phí gửi xe: Phí gửi xe tại Khu du lịch chùa Bái Đính là 40.000 đồng đối với ô tô và 15.000 đồng đối với xe máy.
Di chuyển bằng xe điện: Bãi đậu xe cách ba cổng chùa Bái Đính khoảng 4km nên hầu hết du khách phải đi xe điện thay vì đi bộ. Bạn sẽ phải trả phí 30.000 đồng mỗi người cả khi đến và đi từ chùa. Lệ phí là 60.000đ.
Phí hướng dẫn tham quan: Dịch vụ hướng dẫn tham quan những ngôi chùa lớn nhất khu vực có giá 300.000 đồng đối với các khu chùa mới và 500.000 đồng đối với cả chùa cũ và chùa mới.
Phí vệ sinh: Một lần sử dụng nhà vệ sinh có giá 2.000 đồng
Vé vào cửa: Vé vào chùa Bái Đính có giá 50.000 đồng.
4.3. Nên đi chùa Bái Đính vào thời gian nào?
Thời gian tốt nhất để thăm chùa Bái Đính là từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch. Trong tiết trời se lạnh nhưng hân hoan của những ngày đầu năm mới, du khách có thể đi vãn cảnh du xuân, lễ chùa cầu may và tham gia các lễ hội lớn ở Bái Đính.
Tuy nhiên, thời điểm này là mùa du lịch lễ hội cao điểm nên khách tham quan tới đây rất đông đúc. Nếu bạn là người không thích phải bon chen, ồn ào thì bạn có thể tham quan chùa Bái Đính vào những khoảng thời gian khác trong năm.
Chùa Bái Đính không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia trên đất Cố đô mà còn là một trong những điểm du lịch tâm linh hàng đầu của Việt Nam. Hãy ghé thăm Bái Đính – ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, để trải nghiệm trực tiếp vẻ đẹp và sự uy nghiêm của ngôi chùa này.